Thủy đậu là một trong những bệnh có khả năng lây lan thành dịch cao nhất. Nhất là khi đối tượng mắc bệnh chủ yếu lại là trẻ em. Đối với những trẻ đã đến trường, khả năng lây nhiễm tập thể qua tiếp xúc rất cao, vì bệnh nhân thủy đậu có thể truyền bệnh cho người khác trong vòng 1 - 2 ngày trước khi có ban xuất hiện. Tức là ngay cả khi người đó chưa nổi mụn nước thì đã có thể lây bệnh cho người khác mà không hay biết.
Biến chứng của bệnh thủy đậu
Thủy đậu tuy là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng trong những trường hợp bị nặng và không được chăm sóc, chữa trị phù hợp. Những biến chứng nguy hiểm từ gây sẹo vĩnh viễn cho đến tử vong luôn khiến các bậc phụ huynh có con nhỏ lo lắng mỗi khi đến mùa dịch bùng phát.
Những biến chứng nghiêm trọng của bệnh thủy đậu:
Nhiễm trùng nốt đậu:
Khi mắc bệnh, trên khắp cơ thể bệnh nhân sẽ xuất hiện những nốt mụn nước, hầu hết đều mang vi khuẩn và mầm bệnh, khi nốt đậu bị vỡ rất dễ gây lở loét da, đau nhức và nếu không được điều trị tích cực và đúng cách có thể để lại sẹo xấu vĩnh viễn trên da gây mất thẩm mỹ.
Nhiễm trùng huyết:
Đây là nguyên nhân khiến các phụ huynh muốn tuyệt đối “tránh xa” bệnh thủy đậu đi vì đây là biến chứng làm cho sức khỏe của trẻ suy sụp rất nhanh và nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Viêm não, viêm màng não:
Viêm não, viêm màng nào do thủy đậu tuy hiếm gặp nhưng thường để lại những dư chứng nặng nề như bại não, điếc, chậm phát triển tâm thần, động kinh… gây ra gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội. Tỉ lệ tử vong chiếm 5 - 20%, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật trong suốt tháng ngày còn lại.
Viêm phổi:
Viêm phổi hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh. Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, hồi phục nhưng cũng có thể diễn tiến nặng dẫn tới suy hô hấp, phù phổi... và nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với phụ nữ mang thai:
Đối với các mẹ mắc bệnh khi mang thai dưới 20 tuần sinh con ra sẽ có một tỉ lệ nhỏ (khoảng 2%) bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh như sẹo da, nhẹ cân, các bệnh về mắt (như đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc...), tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần...
Đối với những người mẹ bị thủy đậu trong khoảng thời gian trước sinh 5 ngày đến sau sinh 48 giờ, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh thủy đậu chu sinh và có tỉ lệ tử vong cao (khoảng 30%).
Lợi ích của việc tiêm vắcxin ngừa thủy đậu
Tiêm vắcxin phòng bệnh thủy đậu là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Vắcxin đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao (trên 97%) và kéo dài trong suốt cuộc đời. Mặt khác, tiêm vắc-xin thủy đậu cũng đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ mắc phải những căn bệnh là biến chứng của thủy đậu.
Ngoài ra, đây còn được xem là phương pháp nhanh gọn, hiệu quả và giảm đến mức thấp nhất mức độ thiệt hại về sức khỏe, kinh tế trong mùa bùng dịch.
Lịch tiêm vắcxinTất cả trẻ em từ 12 - 18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.- Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào, cũng tiêm 1 lần.- Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào, thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4 - 8 tuần.
LAN VI